Nước Ý: Quảng trường “Piazza della Signoria” ở Florence

Đây là một trong những quảng trường lớn nhất và quan trọng nhất thành phố Florence. Quảng trưởng này có hình chữ L nằm trước cửa cung điện của lãnh tụ thành phố Florence, mang tên cung điện “Palazzo della Signoria”, hay “Palazzo Vecchio”. Quảng trường này nằm gần quảng trường Duomo, cầu Ponte Vecchio và hành lang trưng bày mỹ thuật ngoài trời tên Uffizi Gallery.

Tại sao quảng trưởng này có tên Signoria, và cung điện lãnh tụ ở đây là cung điện Signoria? Signoria là gì? Signoria có nghĩa chánh quyền địa phương thành phố Florence thời Trung Cổ và Phục Hưng, tương đương với Tòa Đô Chánh Sài Gòn ngày xưa, hay Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh ngày nay. Cung điện nơi làm việc của chánh quyền địa phương Florence tên cung điện (Palazzo) của (della) chánh quyền địa phương (Signoria), nguyên tên tiếng Ý là “Palazzo della Signoria”. Và quảng trường nơi có cung điện này tên đầy đủ là “Piazza della Signoria”.

Do sự hiện diện của cung điện “Palazzo della Signoria”, nơi làm việc của chánh quyền địa phương thành phố, quảng trường nầy chứng kiến không biết bao nhiêu biến cố chánh trị. Cung điện này còn được biết đến với tên Cung Điện Cũ (Palazzo Vecchio). Kiến trúc cung điện rất độc đáo, theo phong cách Roman. Đây là kiến trúc của vùng Trung và Tây Âu thế kỷ 11 và 12. Đây là một trong những tòa thị chánh đồ sộ và đẹp nhất vùng Tuscany của Ý. Hiện chánh quyền thành phố vẫn còn làm việc ở đây.

Quảng trường này có nhiều tượng của các điêu khắc gia nổi tiếng của Ý, đặc biệt tượng David của Michaelangelo. Trước đây tượng nguyên bản được đặt ở đây, nhưng sau này tượng nguyên bản được dời về trưng bày ở Học Viện Mỹ Thuật thành phố Florence. Tượng hiện nay là bản sao, nhưng rất đẹp.

Ngoài tượng David, ở đây còn nhiều tượng khác được trưng bày ở nhiều nơi, như đài phun nước Thủy Tề (Fountain of Neptune) của Ammannati có tượng của Neptune (Hải Vương hay Thủy Tề), nhiều tượng được trưng bày ở nhà nhỏ “Loggia dei Lanzi” nằm ở góc quảng trường nơi có hành lang trưng bày tượng lộ thiên, tên “Uffizi Gallery”. Hành lang này có nhiều tượng đẹp lắm.

Theo các tài liệu du lịch, ở hành lang này có trưng bày nhiều tuyệt phẩm của các điêu khắc gia và họa sĩ nổi tiếng nước Ý như Botticelli, Giotto, Cimabue, Michelangelo, Leonardo da Vinci, Raffaello và nhiều tên tuổi khác từ thế kỷ 12 đến 17, đáng xem nếu các bạn có dịp thăm viếng thành phố Florence. (Sẽ bổ túc sau)

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Nước Ý: Nhà Thờ Duomo ở Florence

Nhà Thờ Lớn ở Florence có tên tiếng Ý là “Cattedrale dì Santa Maria del Fiore”, tiếng Mỹ là “Cathedral of Saint Mary of the Flowers”. Người ta thường gọi nhà thờ này với tên ngắn gọn hơn là Duomo. Nhà thờ này nằm tại quảng trường Duomo (tiếng Y là Piazza del Duomo), ngay trung tâm Phố Cổ, trung tâm lịch sử được UNESCO nhìn nhận là Di Sản Thế Giới.

Nhà thờ này được xây cất vào năm 1296 theo phong cách Gothic, và được hoàn tất vào năm 1436. Mái Vòm nhà thờ rất vĩ đại, được coi như mái Vòm bằng gạch lớn nhất thế giới cho tới nay. Phía ngoài của nhà thờ được lát với cẩm thạch đủ màu, hồng, trắng và xanh lá cây, làm cho nhà thờ đẹp đặc biệt, không đâu bằng.

Nhiều tài liệu du lịch nói rằng tới Florence, chúng ta phải đến xem nhà thờ này cận cảnh. Vợ chồng tôi cùng đoàn du lịch đã đến đây, xem cận cảnh, ăn trưa tại quán ăn trước cửa nhà thờ, sau bữa cơm lang thang chụp hình xung quanh nhà thờ, hay quá. Mấy chục năm trước chúng tôi đã đến Florence, nhưng chỉ được ngắm nhìn nhà thờ này từ trên đồi. Đời tôi có tiến bộ, vui quá.

Nhà thờ này do kiến trúc sư Arnolfo dì Cambio thiết kế. Viên đá đầu tiên được đặt vào năm 1296. Công trình xây cất nhà thờ này kéo dài suốt 140 năm mới hoàn thành. Hơn 125 năm sau khi bắt đầu xây cất nhà thờ, người ta mới bắt đầu nghiên cứu mái Vòm. Mái Vòm này do kiến trúc sư Filippo Brunelleschi thiết kế.

Công trình xây cất mái Vòm này kéo dài 16 năm từ năm 1420 đến năm 1436. Mái Vòm nầy vĩ đại, hiện là mái Vòm bằng gạch lớn nhất thế giới. Nhà thờ Duomo được Đức Giáo Hoàng Eugene IV hiến dâng vào ngày 25 tháng 3 năm 1436. Đây là ngày đầu năm theo lịch của thành phố Florence. (Sẽ bổ túc sau)

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Nam Mỹ: Nước Chile

Chile (Chí Lợi hay Chi-lê) là một nước rất đặc biệt. Giống Việt Nam mình quá. Giống về chánh trị và cả địa lý nữa. Trên phương diện chánh trị nước này bị dằng co giữa cộng sản và dân chủ, giữa độc tài và tự do, cũng tham nhũng, cũng độc tài, cũng cố gắng dân chủ hóa. Đặc biệt Chile giống Việt Nam mình trên phương diện địa lý. Nó có vùng bờ biển chạy dài trên Thái Bình Dương, Việt Nam ở Bắc bán cầu, Chile ở Nam bán cầu.

Bờ biển của Chile dài hơn bờ biển của Việt Nam mình nhiều, dài khoảng 4,300 cây số và rộng 175 cây số. Miền Trung Việt Nam nằm giữa dãy núi Trường Sơn và Thái Bình Dương. Cả nước Chile là một dải đất một bên là núi Andes và bên kia là biển Thái Bình Dương, rất đẹp.

Do chiều dài của Chile, khí hậu nước này đa dạng, từ khí hậu sa mạc ở miền Bắc, đến khi hậu Địa Trung Hải ở miền Trung, đến khí hậu ôn đới ở miền Nam. Đa số dân chúng sanh sống ở miền Trung khí hậu ôn hòa. Đây là trung tâm văn hóa, chánh trị và kinh tế của Chile.

Trước khi người Tây Ban Nha chinh phục vùng đất này, phần đất phía Bắc Chile do người Inca thống trị, phần đất miền Trung và Nam do người Mapuche cai trị.

Người Tây Ban Nha bắt đầu chinh phục vùng đất này vào giữa thế kỷ 16. Họ thắng người Inca ở phía Bắc và người Mapuche ở miền Trung Chile, nhưng họ gặp phải sự chống cự mãnh liệt của người Mapuche ở miền Nam, và mãi cuối thế kỷ 19 họ mới thắng được nhóm Mapuche này mà thôi.

Chile tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha vào năm 1818. Vào những năm 1830 Chile là một nền Cộng Hoà bền vững mặc dầu theo chế độ độc tài. Suốt thế kỷ 19 nền kinh tế của Chile phát triển mạnh mẽ.

Vào những năm 1880 Chile chiến thắng người Mapuche ở phía Nam. Với chiến thắng trong cuộc chiến Thái Bình Dương (War of the Pacific năm 1879-1883) chống lại Bolivia và Peru, Chile mở mang bờ cõi về phía Bắc như hiện nay.

Những năm cuối 1960 đầu 1970, Chile theo chế độ xã hội dưới sự lãnh đạo của Allende. Cuộc phiêu lưu này làm dân chúng nghèo khổ, rốt cuộc quân đội đã đảo chánh và chiếm chánh quyền một số năm.

Nhân một cuộc bầu cử tự do sau này, chế độ quân phiệt không được dân chúng ủng hộ, nên một chánh quyền dân chủ trung dung (không Hữu không Tả) đã cai trị Chile mấy chục năm nay.

Ngày nay Chile là một trong những quốc gia bền vững nhất và giàu nhất Nam Mỹ. Nó dẫn đầu các quốc gia Nam Mỹ về phương diện phát triển con người, sức cạnh tranh, lợi tức trung bình tính theo đầu người, toàn cầu hóa, tự do kinh tế, và chỉ số nhận thức tham nhũng (low perception of corruption).

Năm 2010 Chile là quốc gia Nam Mỹ đầu tiên gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chile là một thành viên sáng lập của Liên Hiệp Quốc, Liên minh các Quốc gia Nam Mỹ, và Cộng Đồng các Quốc Gia Mỹ Latinh và vùng Caribe (Community of Latin American and Caribbean States).

Cộng đồng người Việt ở Chile rất nhỏ. Trước đây có khoảng 500 người đến đây sanh sống. Ngày nay số nầy giảm xuống còn khoảng 50. Hiện tượng này cũng xảy ra ở 3 nước Nam Mỹ khác vợ chồng tôi viếng thăm mấy năm trước, là Brazil, Peru và Argentina. Hiện tượng này cũng xảy ra ở các nước Đông Âu trong khối Cộng Sản trước đây.

Nhiều người đặt câu hỏi, trong lúc số di dân đi Mỹ và Canada tăng chóng mặt trong 10 năm qua, tại sao cộng đồng Việt Nam khắp thế giới lại giảm? Câu trả lời này cũng giản dị thôi. Giấc mơ Mỹ có thật. Ai nghèo khổ quyết tâm đến đây đổi đời, mà chịu khó học tập, làm việc, và hòa đồng với dân Mỹ khác, cũng được một cuộc sống dễ chịu. Sự thật này tồn tại mấy trăm năm nay, từ ngày nước Mỹ chưa được chánh thức khai sanh, chỉ là một vùng đất người nghèo và bị kỳ thị ở Âu Châu đến sống. (Sẽ bổ túc sau)

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Peru: Đền Thờ Mặt Trời (Qurikancha) ở Cuzco

Đền Thờ Mặt Trời là đền thờ quan trọng nhất của người Inca. Mặt Trời là Thần (hay Thượng Đế) quan trọng nhất trong tín ngưỡng của người Inca ngày xưa. Đền Thờ Mặt Trời còn được biết đến với tên Qurikancha, hay Coricancha hay Inti Kancha, hay Inti Wasi. Inti là Thần Mặt Trời. Inti Kancha hay Qurikancha là nơi thờ Thần Mặt Trời, hay Đền Thờ Mặt Trời.

Vì Mặt Trời là vị Thần lớn nhất và quan trọng nhất, nên Đền Thờ này tại thủ đô của Đế quốc Inca ngày xưa rất vĩ đại. Lúc viếng thăm cố đô Cuzco, vợ chồng tôi có đến đây tham quan những tàn tích còn sót lại. Đền Thờ này đã bị kẻ Chinh Phục Tây Ban Nha phá hủy, trong âm mưu tiêu diệt chủng tộc và văn minh Inca của họ. Nếu họ sống ở thế kỷ này, tội của họ còn nặng hơn tội của Hitler.

Người Tây Ban Nha đã phá hủy Đền Thờ Thần Mặt Trời (Qurikancha) để xây cất Nhà Thờ và Tu Viện, nhưng ngày nay ở đây vẫn còn nhiều tàn tích, vì họ không đập phá hết được.

Ngày Pizarro đến, ở đây sàn nhà và tường đều lát vàng rất lộng lẫy. Khi lãnh tụ Atahualpa của họ bị bắt, họ đã phải gỡ vàng ở đây để chuột mạng sống cho lãnh tụ. Nghe nói lúc đó số vàng chất đầy phòng.

Người Tây Ban Nha bắt người da đỏ Inca phải đập phá đền thờ này để xây Nhà Thờ công giáo Santo Domingo. Gạch xây nhà thờ này lấy từ tường thành Pháo Lũy Sacsayhuaman ở ngoài thành. Khi biết được cát ở ngoài sân đền thờ này có tánh cách linh thiêng, họ đã lấy cát trộn hồ để xây Nhà Thờ. Vợ chồng tôi thăm viếng nhà thờ này, và những tàn tích còn lại của Đền Thờ Thần Mặt Trời.

Kẻ chinh phục đã xây dựng Nhà Thờ Santo Domingo trên nền nhà của Đền Thờ Mặt Trời. Họ xây cất nhà thờ cả trăm năm. Nhưng khi ở đây có động đất, nhà thờ do họ xây cất bị hư hại và sụp đổ. Những vách đá của Đền Thờ Mặt Trời của người Inca chắc chắn hơn, kỹ thuật xây cất tinh vi hơn, nên không bị hư hại, ngày nay vẫn còn. (Sẽ bổ túc sau)

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Peru: Cung điện Torre Tagle ở Lima

Cung điện Torre Tagle (Torre Tagle Palace) là một ngôi nhà cổ rất nổi tiếng trong khu lịch sử thành phố Lima thủ đô của nước Peru. Khu này được UNESCO nhìn nhận là Di Sản Thế Giới từ năm 1988, và được bảo vệ giữ lại nét cổ kính thời xa xưa. Cung điện nầy hiện là Bộ Ngoại Giao của Peru.

Như các bạn thấy trong hình, nhà cửa ở khu lịch sử này rất độc đáo. Những nhà trong khu lịch sử này đều phải giữ lại ban công (Balcony), như thời thuộc địa cũ, rất độc đáo. Ở đây còn 1,600 căn nhà cổ vẫn giữ lại ban công theo luật định.

Cung Điện Torre Tagle hiện nay là trụ sở Bộ Ngoại Giao của Peru. Trong tuần là Bộ Ngoại Giao, cuối tuần Bộ này mở cửa đón du khách đến thăm viếng kiến trúc cổ xưa độc đáo. Nhà nầy nếu được cất ở Sài Gòn, chắc đã bị Phe Chiến Thắng đập phá hết rồi, như họ đã từng làm với Phố Cổ ở đây, hành lang Eden, Thương Xá Tax v.v…

Nhà này được xây vào năm 1715, bởi một nhà quí tộc người Peru được triều đình Spain (Tây Ban Nha) kính nể. Ông tên “Don José Bernardo de Tagle-Bracho y Pérez de la Riva, 1st Marquis of Torre Tagle”.

Cung Điện này theo kiến trúc Baroque trộn lẫn với ảnh hưởng kiến trúc vùng Seville, pha lẫn với ảnh hưởng của kiến trúc người Moore (Hồi Giáo ở Spain). Vật liệu xây cất được nhập cảng từ Spain, hoặc nhiều nước Trung Mỹ khác.

Cung Điện này có hai hàng ban công rất đặc biệt bằng gỗ màu ngăm ngăm đen, với nhiều chi tiết kiến trúc trộn lẫn ảnh hưởng của mẩu quốc Tây Ban Nha và nhiều địa phương khác như Peru, Á Châu và các vùng thuộc địa Nam Mỹ khác. (Sẽ bổ túc sau)

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Peru: Khách sạn Gran Hotel Bolivar ở Lima

Mấy năm trước vợ chồng tôi thăm viếng thủ đô Lima của nước Peru, và tham quan khách sạn nổi tiếng nhất ở đây. Khách sạn Gran Hotel Bolivar ở Lima được nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới chọn ở những ngày họ thăm viếng Peru. Giống như khách sạn Rex của Việt Nam, nhưng huy hoàng hơn. Tổng Thống Nixon của Mỹ đã từng ở đây. Đây là một khách sạn lịch sử của thủ đô Lima nước Peru.

Thời xa xưa khách sạn Gran Hotel Bolivar ở Lima rất nổi tiếng, ngó ra Quảng Trường San Martin, gần khu lịch sử Quảng Trường “Plaza Mayor” hay “Plaza de Armas of Lima”. Hai quảng trường này được UNESCO nhìn nhận là Di Sản Thế Giới từ năm 1988.

Khách sạn này được khánh thành vào ngày 6 tháng 12 năm 1924, nhân kỷ niệm 100 năm trận Ayacucho (Battle of Ayacucho). Đây là trận quyết định cuộc chiến giành độc lập cho Peru và nhiều quốc gia Nam Mỹ khác. Trước đó vào năm 1921 Quảng Trường San Martin noi khách sạn này tọa lạc cũng được khai mạc, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Peru độc lập.

Những năm 1940-1950, khách sạn này rất nổi tiếng. Nó là khách sạn lớn và hiện đại đầu tiên được xây cất ở Lima. Do đó nó thu hút nhiều nhân vật điện ảnh của Hollywood như Orson Welles, John Wayne, Ava Gardner v.v.. đến đây cư ngụ.

Sau này nhiều nhân vật nổi tiếng khác như Tổng Thống Nixon, tài từ điện ảnh Clark Gable, nhà văn Faulkner, Andre Malraux v.v.. cũng đến đây. Vợ chồng tôi đã đến đây tham quan sự huy hoàng xa xưa, hay lắm. (Sẽ bổ túc sau)

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Peru: Trên dãy núi Andes, nghe bản nhạc “El Cóndor Pasa” (Thần Ưng bay qua)

Các bạn còn nhớ bản nhạc nổi tiếng “El Cóndor Pasa” (Chim điêu bay qua hay Thần Ưng bay qua) không? Tôi rất thích bản này, được Simon và Garfunkel trình bày vào năm 1970. Nghe bản nhạc này ở New York, hay Sài Gòn, hay ở thành phố nào đó, các bạn thấy hay, nhưng không xúc động nhiều. Nghe bản nhạc này trong một đêm trừ tịch, trên đỉnh dãy núi Andes cao 13,000 feet mùa hè nhưng rất lạnh, chim điêu được người dân ở đây quan niệm là Thần Ưng, con vật linh thiêng, cảm nhận của tôi hoàn toàn khác, đặc biệt hơn, hay hơn. Có một đêm trên đường thăm viếng “Cổ Sơn” (Machu Picchu) trên dãy núi Andes, tôi nghe một ban nhạc da đỏ trình diễn bản nhạc này, hay đặc biệt.

Chim Condor (Thần Ưng hay chim điêu) là loài chim của vùng núi cao ở đây. Nó là biểu tượng quốc gia của những nước thuộc dãy núi Andes, như Peru, Chile, Argentina, Bolivia, Colombia và Ecuador. Nó đóng một vai trò quan trọng trong văn học dân gian và thần thoại những nước này. Nó biểu hiện cho sức mạnh, quyền hành và sức khỏe.

Trên làng Machupicchu vùng “Cổ Sơn” nổi tiếng, nơi có Machu Picchu một trong 7 Kỳ Quan Thế Giới hiện nay, cao trên dãy núi Andes, vợ chồng tôi đi ăn tối, và nghe ban nhạc địa phương ở đây trình bày bản nhạc “El Cóndor Pasa”, hay quá. Tựa này có nghĩa “Chim điêu bay qua” (hay Thần Ưng bay qua).

Chim điêu (Condor) là loài chim người da đỏ ở đây rất thích. Trong thần thoại người dân ở đây, chim Condor (Chim Điêu hay Thần Ưng hay Thần Điêu) gắn liền với Thần Mặt Trời và là loài chim thống trị thế giới trên kia (Upper world). Nó đóng một vai trò quan trọng trong văn học dân gian các nước dãy núi Andes. Phải lên đây nghe bản nhạc này mới thấm thía tình tự người dân vùng này.

Các bạn còn nhớ bản “El Cóndor Pasa” nổi tiếng thế giới không? Bản nhạc này được một nhà soạn nhạc người Peru tên Daniel Alomía Robles viết vào năm 1913, và được trình diễn lần đầu tại Lima trong rạp hát Teatro Mazzi. Năm 2004, Peru công nhận nó là di sản văn hóa quốc gia (national cultural heritage).

Thế giới đã biết qua bản nhạc này do Simon & Garfunkel trình bày vào năm 1970 trong dĩa nhạc “Bridge over Troubled Water”. Họ không biết tác giả thật. Paul Simon nghe Jorge Mitchberg trình bày bản này và rất thích. Ông này cho biết đây là một bản nhạc do một tác giả không tên soạn vào thế kỷ 18. Chính vì vậy Simon đã đề nghị viết lời cho bản nhạc này. Bản nhạc do Simon & Garfunkel trình bày đã trở thành một trong những bản “Hit” trên thế giới.

Năm 1970 con của tác giả kiện về vấn đề bản quyền bản nhạc, và thắng kiện. Thật ra Simon và Garfunkel cũng bị gạt, hiểu lầm thôi, không cố tình ăn cắp bản quyền của tác giả thật. Chuyện đáng tiếc được giải quyết êm thấm.

Mời các bạn nghe bản nhạc “El Cóndor Pasa” do Simon & Garfunkel trình bày được 7,376,658 lần truy cập:

http://www.youtube.com/watch?v=pey29CLID3I

 

 

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Florence: Tượng David

Các bạn có xem kỹ tượng của David do Michaelangelo điêu khắc lần nào chưa? Đây là một trong hai tuyệt phẩm nghệ thuật của họa sĩ kiêm điêu khắc gia này, tượng kia là tượng Đức Mẹ Sầu Bi (Pietà theo tiếng Ý).

Tượng trong hình đặt trước cửa dinh Vecchio tại quảng trường lớn nhất thành phố Florence tên Piazza della Signoria. Ngày xưa nguyên bản được đặt ở đây, nhưng sau này người ta đã đem nguyên bản về trưng bày ở học viện mỹ thuật thành phố Florence. Tượng này chỉ là bản sao, được điêu khắc bằng cẩm thạch giống của nguyên bản, nên rất đẹp.

David là Vua thứ hai của Israel (Do Thái). Lúc trẻ ông đã chiến đấu chống lại người khổng lồ Goliath, để cứu quân đội nước nầy khỏi sự thảm bại. Tượng nầy chụp lại giây phút David vừa quyết định sẽ ra chiến đấu tay đôi với người khổng lồ, mạnh hơn mình rất nhiều.

Câu chuyện của David ai cũng biết vì được nói nhiều trong Thánh Kinh. Trước Michaelangelo, các họa sĩ và điêu khắc gia đều trưng bày David cùng với người khổng lồ. Tượng David này chỉ là tượng đơn thuần của chàng trai mới lớn, ở truồng, nét mặt trẻ trung, bảnh trai và can cường, vừa quyết định sẽ chiến đấu, có thể chết, nhưng vẫn làm.

Tượng David cao 5.17 thước (m). Ông là một anh hùng trong Kinh Thánh. Ở đây ông tượng trưng cho sự bảo vệ quyền tự do của thành phố Florence. Lúc đó Florence tứ bề thọ địch, nhiều đối thủ hùng mạnh hơn về quân sự, lăm le chiếm thành phố này. Cặp mắt của David có thần, quyết tâm, đang liếc về phía thành phố Rome.

Wikipedia tiếng Việt bàn cải nhiều về dương vật của David. Đối với chàng trai trẻ đầy sức sống như David, các bạn có để ý thấy dương vật của Ông rất nhỏ không? Theo quan niệm thời Michaelangelo, người ta thích dương vật nhỏ, dương vật lớn được coi như dử dằn chỉ thấy ở loài thú dữ, không thanh lịch. Thời Phục Hung dương vật nhỏ được coi là đẹp.

Điểm thứ hai về dương vật của David là nó chưa được cắt bao qui đầu. Tục lệ của người Do Thái là cắt da qui đầu. David là người Do Thái, sao chưa cắt? Các học giả thảo luận nhiều về vấn đề này, và kết luận, tác giả đã điêu khắc tượng David theo phong cách Hy Lạp, và theo người Hy Lạp, người ta không ủng hộ việc cắt da qui đầu của phái Nam.

Trước tượng của David, nhiều du khách đến đây chen lấn, đứng ngắm một vài giây, chụp một vài hình, rồi phải di chuyển, đông không thể tưởng. Tôi thấy nhiều người da vàng đến đây, phần đông là người Phi, Hoa và Nhật, rất ít người Việt Nam. (Sẽ bổ túc sau)

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Peru: Machu Picchu, Kỳ Quan Thế Giới

Machu Picchu hay Machu Pikchu được người Việt Nam mình dịch là “Cổ Sơn”. Nó được nhiều người biết đến với danh hiệu “Thành phố đã mất của người Inca”. Nó là một khu cung điện và đền thờ của Hoàng Đế Inca xây trên đỉnh núi ngó xuống Thung Lung Linh Thiêng (Sacred Valley), ở độ cao 2,430 thước trong dãy núi Andes, gần Cuzco kinh đô ngày xưa của Đế Chế Inca. Vợ chồng tôi đến Cuzco ở 3 ngày để một lần trong đời thấy tận mắt Kỳ Quan Thế Giới này.

Năm 1981 nó được công nhận là một Di Tích Lịch Sử của Peru. Năm 1983 nó được UNESCO nhìn nhận là Di Sản Thế Giới. Và năm 2007 nó được bầu chọn là một trong 7 Kỳ Quan Thế Giới Hiện Đại (New Seven Wonders of the World). Nó may mắn không bị người chinh phục Tây Ban Nha biết đến, nên tránh được sự tàn phá và hủy diệt như nhiều di tích lịch sử khác của người Inca ở Peru.

Kẻ Chinh Phục không những phá hoại nền văn minh Inca, họ còn là nguyên nhân của sự sụt giảm dân số trầm trọng của người Inca. Trước khi họ đến vào năm 1520 Đế Quốc Inca có 9 triệu người. Một trăm năm sau vào năm 1620 dân số chỉ còn 600,000 người.

Kẻ xâm lăng đã hiếp dâm Hoàng Hậu, và giết tất cả những chiến sĩ Inca họ bắt được. Theo sự giải thích của hướng dẫn viên du lịch, mẹ là người da đỏ Quechua, cha là người lai Tây Ban Nha, hiện không còn người Inca nữa. Những người da đỏ ở Nam Mỹ thuộc đế quốc Inca ngày xưa không phải là người Inca, mà là người da đỏ bị người Inca chinh phục trước đây. Họ không bị Kẻ Xâm Lăng tiêu diệt như đã làm với người Inca.

Người Inca đã xây cất khu Cung điện-Đền thờ Machu Picchu vào năm 1450 nhưng đã bỏ khu nầy hoang phế không người ở một trăm năm sau, khi người Tây Ban Nha đến chinh phục Peru. Người Inca địa phương biết, nhưng người Tây Ban Nha và thế giới hoàn toàn không biết. Do tình cờ sử gia đại học Yale của Mỹ tên Hiram Bingham đã khám phá ra nó. Sách ông viết về Machu Picchu tên “Lost City of the Incas” (Thành phố đã mất của người Inca) bán chạy nhất (Bestseller) khi được xuất bản vào năm 1948. Nhờ ông thế giới đã khám phá trở lại tàn tích còn giữ rất tốt của nền văn minh Inca đã bị tiêu diệt.

Thế giới đổ xô đến đây thăm viếng. Người ta đã xây cất trở lại nhiều kiến trúc ở đây, để giúp du khách hiểu được khu đền đài ở đây ngày xưa ra sao. Vào năm 1976, khoảng 30% những kiến trúc ở đây đã được trùng tu. Công cuộc trùng tu xây dựng lại vẫn tiếp diễn đến ngày hôm nay.

Machu Picchu không phải là một thành phố thông thường. Nó là nơi nghỉ dưỡng của Hoàng Đế và giới quý tộc Inca. Nơi này có một cung điện lớn và các đền đài dành cho các vị thần Inca bao quanh một sân, với những công trình kiến trúc khác cho người hầu. Người ta uớc tính khoảng 750 người sống tại Machu Picchu cùng một thời điểm, và có lẽ chỉ một phần nhỏ trong số này sống ở đây trong mùa mưa hay khi không có vị quý tộc nào tới đó.

Năm 1913, Machu Picchu đã thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng khi tạp chí của Hội Địa Lý Quốc Gia “National Geographic Society” dành toàn bộ chương trình tháng 4 của họ cho Machu Picchu.

Theo Wikipedia tiếng Việt: “Năm 2000, khoảng 400.000 người đã viếng thăm Machu Picchu, và UNESCO bày tỏ sự lo ngại của mình với sự xuống cấp có thể xảy ra cho địa điểm với một lượng du khách lớn như vậy. Tối đa 2.500 được phép vào thăm tàn tích Machu Picchu trong một ngày nhằm ngăn chặn sự xâm hại với di tích.” (Wikipedia)

Machu Picchu được chia thành ba khu vực lớn: Khu vực linh thiêng, Khu vực dân chúng, ở phía Nam, và Khu của các Thầy tu và Tầng lớp quý tộc (Khu Hoàng gia). Nằm ở Khu vực linh thiêng là các địa điểm khảo cổ học quý giá: Intihuatana, Đền của Thần Mặt Trời và Phòng Ba Cửa sổ. Chúng được dành cho Inti, thần Mặt trời và cũng là vị thần vĩ đại nhất của người Inca. Intihuatana tiếng Quechua có nghĩa “Gắn liền với Mặt Trời”. Người Mỹ thường gọi tảng đá khổng lồ này là “hitching post of the sun” (Cột trụ gắn liền với Mặt trời). Đây là một đồng hồ thiên văn chỉ giờ và ngày tháng trong lịch của người Inca.

Khu Hoàng gia là khu vực dành riêng cho giới quý tộc. Đây là một nhóm nhà nằm thành hàng trên một khu vực đất dốc; nơi ở của Amautas (những người khôn ngoan) có những bức tường màu đỏ, và khu Ñustas (các công chúa) là những căn phòng với cửa sổ hình thang. Lăng Nghi lễ (Mausoleum) là một tượng đá với khu vực phía trong hình vòm và các bức tranh khắc. Nó được sử dụng trong các dịp lễ (Rite) và hiến tế (Sacrifice).

Khu vực dân chúng là nơi người hầu sống. Ngoài chỗ ở cho người hầu, khu này còn có nhiều phòng chứa (Kho) hàng hóa.

Kiến trúc khu đền đài Machu Picchu là kiến trúc đặc biệt của người Inca. Họ là bậc thầy của kỹ thuật xây vách tường gọi là “Polished dry-stone of regular shape” (dùng những tảng đá bằng nhau được đánh bóng chồng lên nhau), và đặc biệt họ không dùng hồ, nhưng giữa các tầng đã không có khe hở, để miếng giấy vô không lọt.

Peru là một miền đất động đất thường, nên kiến trúc không dùng hồ vững bền hơn dùng hồ. Khi có động đất những tảng đá có thể lắc lư, nhưng tường không sập. Làm cách nào họ để những tảng đá nặng nhiều tấn nầy chồng chất lên nhau vẫn còn là bí ẩn, chưa có giải đáp.

Hệ thống đường xá của người Inca ngày xưa thật là văn minh. Đây là hai con đường chạy dọc theo hướng Bắc-Nam với nhiều đường hông nối liền mọi nơi trong Đế Chế Inca. Mạng lưới đường xá này qui về thủ đô Cuzco của họ, và một con đường nối liền với khu Machu Picchu nầy. Ngày nay có nhiều du khách đến thăm viếng khu này dùng “con đường mòn Inca” để tới đây. Đường đi gian nan nhưng cảnh vật rất đẹp. Vợ chồng tôi đi xe lửa lên đây, không mệt chút nào, ngồi xe lửa xem cảnh vật cũng hấp dẫn lắm. (Sẽ bổ túc sau)

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Florence: Ponte Vecchio (Cầu Cũ)

Ponte Vechhio có nghĩa là Cầu Cũ. Đây là cầu bằng đá được xây vào thời Trung Cổ, bắt ngang qua sông Arno ở thành phố Florence, vùng Tuscany nước Ý. Cầu này rất độc đáo, được xây kín mít. Lúc ban đầu trên cầu có nhiều hàng thịt. Ngày nay người ta không bán thịt ở đây nữa, mà chỉ bản kim hoàng và đồ vật kỷ niệm cho du khách mà thôi.

Câu này nổi tiếng là cầu tình nhân. Tình nhân khắp thế giới đến đây mua ống khóa, ghi tên hai người, và khoá vào cầu, liệng chìa khóa xuống sông Arno. Họ tin rằng làm như vậy sẽ giúp mối tình của họ bền vững. Giống như cầu tình nhân ở Paris vậy. Nói tới cầu tình nhân, tôi sực nhớ Sài Gòn không có loại cầu này.

Wikipedia tiếng Việt mô tả cầu này như sau: “Nó đã được mô tả là công trình cầu vòm xây bằng đá toàn bộ lâu đời nhất của châu Âu. Cầu không dành cho xe cộ, chỉ người đi bộ. Cầu được xây từ thời La Mã (năm 996) với mục đích nối giữa hội trường thành phố Palazzo Vecchio và Palazzo Pitti. Những căn nhà nhỏ trên cầu có từ năm 1333. Trong hành lang Vasari ở bên cầu có chân dung của các họa sĩ hàng đầu nước Ý và châu Âu.” (Wikipedia)

Palazzo Vecchio là nơi làm việc của lãnh tụ thành phố Florence. Palazzo Pitti là nơi ở của gia đình Medici, lãnh tụ thành phố. Ngày xưa vào thời đế quốc La Mã, con đường mang tên Via Cassa của đế quốc đã chạy ngang qua đây. Lúc đó đế quốc La Mã đã xây cầu ở đây, vì đây là điểm hẹp nhất của sông Arno. Cầu ngày xưa bằng cây.

Sau trận lũ lụt năm 1117, người ta đã xây cầu lại bằng đá, nhưng cầu bị sụp đổ vào năm 1333, và được xây lại vào năm 1345. Cầu này rộng 32 thước (m) và dài 30 thước (m). Cầu chỉ dành cho người đi bộ, xe cộ không được chạy ngã này.

Các bạn học về tài chánh có biết ý niệm gọi là bankruptcy (Phá sản hay vỡ nợ) phát xuất từ đâu không? Từ sự buôn bán trên cầu này. Ngày xưa các thương gia buôn bán trên cầu ai cũng có một cái bàn trưng bày hiện vật. Trong trường hợp một thương gia mắc nợ không trả được nợ, lính của chánh quyền đến đây đập bỏ bàn của anh ta. Không có bàn anh ta không được quyền buôn bán ở đây nữa. Bàn là “banco”, đập bể gọi là “rotto”. Việc chủ nợ kêu lính đến đây đập bể bàn gọi là “bancorotto”, dần dà từ nầy biến thành “bankcruptcy” như ngày nay. (Sẽ bổ túc sau).

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này